"Làm sao để quy hoạch vùng nuôi chim yến cho đúng đắn?" là câu hỏi không chỉ làm đau đầu các cơ quan ban ngành nhà nước mà đó cũng là vấn đề được rất nhiều người đã, đang và sẽ nuôi yến quan tâm trong suốt thời gian vừa qua.
Kể từ thông tư 35 được ban hành, và sự ra đời của hai tổ chức: Hiệp Hội Yến Sào Việt Nam và Chi Hội Nhà Yến Việt Nam, các vấn đề về nuôi yến trở nên "nóng" hơn bao giờ hết. Người nuôi yến mong ngóng nghề yến sắp tới sẽ được nhà nước quan tâm hơn bằng các văn bản luật cụ thể về các chính sách hỗ trợ nuôi yến cũng như các quy định về vùng nuôi yến. Sau đây là một số góp ý của những người hoạt động trực tiếp trong nghề yến về vấn đề quy hoạch vùng nuôi chim yến sao cho hợp lý nhất.
1/ Nên cụ thể nêu ra ranh giới nào cấm nuôi yến bằng cách thể hiện ra bản đồ, ngoài những nơi cấm nuôi thì nơi không cấm có quyền nuôi yến. Các văn bản luật quy định càng chi tiết thì càng tránh được những tranh chấp và rắc rối sau này. Ví dụ: Tại TP.HCM, khu vực được phép nuôi yến là các khu vực ngoại thành, cách xa trung tâm; Các khu vực cấm nuôi là các khu vực đông dân cư, cần có danh sách cụ thể và chi tiết. Tuy khiên khi ban hành luật này thì một câu hỏi khác lại đặt ra: Nếu nhà chim xây trước nhưng vài năm sau dân kéo tới làm nhà thì sao đây ? Có tính là nhà yến trong khu dân cư không ?
Do một số nhà yến là được thừa kế lại từ nhiều năm trước nên chính quyền quản lý nhà Yến bằng chính sách cấp phép tại thời điểm hiện tại. Những ngôi nhà Yến sau này kể từ khi luật ban hành sẽ không được cấp phép đối với các khu vực cụ thể (có danh sách chi tiết) và đó là dấu chỉ để chế tài những người làm sai luật. Về nguyên tắc luật không thể hồi tố, nên cần có chính sách thỏa đáng cho những ngôi nhà yến đang tồn tại. Còn những ngôi nhà nuôi yến mọc lên sau này nếu vi phạm pháp luật thì căn cứ trên pháp luật để xử lý.
Thông tư, văn bản pháp luật phải xét đến yếu tố phát triển dân cư sau này. Nếu nhà Yến cấp phép trước thời điểm công trình xây dựng khác mọc lên , thì cho dù đó là khu dân cư thì cũng không được phép chế tài nhà nuôi Yến . Nếu nhà nước muốn trưng dụng làm công trình phúc lợi thì phải bồi thường thỏa đáng theo luật dân sự. Nếu không có định nghĩa rõ ràng về thời hiệu cấp phép, thì dù nhà yến xây dựng trước, sau đó có thêm vài nhà, vài chục nhà dân kéo đến sinh sống sung quanh rồi đệ đơn lên chính quyền về nhà Yến mọc lên trong khu dân cư thì các chủ nhà yến hoàn toàn không có cơ sở phản bác, rõ ràng là không công bằng đối với các căn nhà yến.
2/ Việc nuôi chim yến gây ảnh hưởng đến các hộ xung quanh do phân chim ị lên quần áo phơi ngoài sân là có thật, nhưng điều này không nằm trong chế tài của luật pháp. Do lịch sử để lại, những ngôi nhà nuôi yến đã tồn tại trong nội ô thiết nghĩ cần có chính sách hỗ trợ để chuyển đổi công năng. Trong các văn bản pháp luật, các thông tư sau này cần nêu rõ những khu vực không được phép xây dựng nhà Yến để người dân biết mà thực hiện. Vì sự phát triển bền vững của nghề, rất mong các chính sách của nhà nước cần xem xét tất cả các đối tượng có liên quan để có biện pháp chế tài thấu tình đạt lý.
3/ Cần có quy định về mức âm lượng âm thanh của các nhà yến. Thực tế cho thấy, các nhà yến bị ý kiến đa phần là do chủ nhà ko am hiểu về chim yến nên thường nhầm lẫn rằng càng mở tiếng chim to để thu hút được nhiều chim về nhà của mình nhưng lại không biết rằng, thực tế việc này chỉ gây ồn đến các hộ dân cư xung quanh chứ không giúp ích nhà yến có thêm chim. Vấn đề này nếu có kỹ thuật tốt sẽ xử lí rất đơn giản. Có rất nhiều nhà nuôi yến đang xử lí tốt điều này nên không gây phiền hà gì đến các hộ xung quanh. Một vấn đề tưởng chừng rất nhỏ nữa nhưng nó cũng ảnh hưởng đến nhà yến đó là mối quan hệ của chủ nhà với các hộ dân xung quanh. Ví dụ như các cửa hàng quần áo, giầy dép, loa đài âm thanh hàng ngày vẫn bật âm thanh với mức maximum nhưng không hề bị dẹp tiệm vì tiếng ồn mà vẫn tồn tại năm này qua năm khác. Những âm thanh ấy to hơn âm thanh nhà yến phát ra rất nhiều.
Để các quy định pháp luật sát với thực tế thì cần trả lời được các vấn đề sau:
- Bao nhiêu người nghe tiếng chim yến đã bị ảnh hưởng thần kinh hoặc ảnh hưởng về tai?
- Bao nhiêu người bị ảnh hưởng vì phân chim yến ?
- Bao nhiêu người bị ảnh hưởng ra sao với môi trường bên ngoài nhà yến?
- Cơ sở lí luận nào nói đến nguy cơ dịch bệnh của chim yến, con số về số người đã bị nhiễm bệnh từ chim yến?
- Cường độ âm thanh của nhà yến bao nhiêu là sẽ ảnh hưởng đến người dân xung quanh?
- Quy mô nhà yến có cần tối thiểu hoặc tối đa là bao nhiêu m2, bao nhiêu hecta?
- Nhà yến đang tồn tại sẽ có những hướng dẫn cụ thể về vệ sinh dịch tễ ra sao?
- Tỷ lệ thức ăn của chim yến (các loài côn trùng) có tương xứng với tỷ lệ chim yến ở đó không, có làm ảnh hưởng đến mùa màng của người dân xung quanh không?
- Hướng dẫn cụ thể về thủ tục cấp giấy phép hoạt động nuôi chim yến (Cần thủ tục gì, cơ quan nào cấp phép, thời gian cấp phép bao lâu, ...v.v)?
- Đối với các nhà trong khu dân cư không dùng âm thanh mà đàn chim yến tự về ở thì có gỡ bỏ nhà yến không hoặc cách hướng dẫn xử lý như thế nào?
- Cần làm rõ việc chuyển đổi nhà nuôi yến trong khu dân cư theo đúng công năng là như thế nào? mức thiệt hại sẽ bồi thường ra sao?
- Đất trang trại được phép xây nhà nuôi yến mà không cần phải chuyển đổi mục đích sang đất thổ cư vì xây nhà chim yến chứ không phải xây nhà cho con người ở.
Khi những câu hỏi đó sẽ được sự giải đáp thoả đáng thì việc cấm nhà yến trong nội thành, các khu vực đông dân cư cũng như công bố vùng quy hoạch được phép nuôi chim yến sẽ hoàn toàn thuyết phục.
Ý kiến này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của người nuôi yến vì hiện chưa có quy định nào của pháp luật về sự ảnh hưởng của việc nuôi chim yến đối với khu dân cư đông đúc. Hơn nữa, nếu thực hiện một phép tính đơn giản về bài toán kinh tế, thì con số thiệt hại khi dừng nuôi yến như vậy mà chưa hề có hướng dẫn thực hiện chuyển đổi hoặc mức bồi thường thiệt hại đối với các nhà yến đã tồn tại nhiều năm qua là rất lớn.
- Bình quân 1 nhà yến quy mô cần đầu tư trung bình khoảng 1,2tỷ VNĐ (không bao gồm cả đất)
- Đà Nẵng hiện nay có khoảng 150 căn nhà yến x 1,2 tỷ= 180 tỷ.
- Lợi ích mang lại từ việc thu tổ yến bình quân của các nhà yến tại Đà Nẵng rơi vào 800kg/ năm* 30tr = 24 tỷ (chưa kể những năm sau)
- Số lượng nhân công và người phụ thuộc vào ngành yến sẽ thất nghiệp nếu dừng việc nuôi yến.
Tổng thiệt hại rơi vào khoảng hơn 200 tỷ nếu quyết định này thực thi đồng thời có thể sẽ làm hạn chế hoặc xóa sổ luôn các thương hiệu yến sào từ đất Đà Nẵng vốn nổi tiếng về chất lượng.
Thêm vào đó, nếu Đà Nẵng thành công trong việc ban hành các quy định về cấm nuôi yến thì đây sẽ là tiền đề để các thành phố khác áp dụng theo. Các đơn vị kỹ thuật xây dựng nhà nuôi yến có nên tiếp tục nhận thi công các công trình nhà yến trong khu dân cư? Tương lai ngành yến Việt sẽ đi về đâu khi chưa quy hoạch mà đã đòi cấm?
Tổ yến vốn là một trong bát bửu từ lâu đã rất được coi trong bởi các giá trị to lớn về dinh dưỡng, rất cần được xem xét phát triển bền vững. Thêm vào đó, ngành yến còn góp phần thu ngoại tệ thông qua việc xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho xã hội, giúp cân bằng môi trường sinh thái,...v.v.
Chính vì thế, để ban hành được các thông tư, văn bản quy định về nuôi yến một cách công minh nhất thì các cơ quan ban ngành liên quan cần phải có sự đánh giá một cách tổng quan, khoa học, thực sự công tâm, cần trưng cầu ý kiến từ các chủ nhà yến, các đơn vị kỹ thuật xây dựng nhà yến và cần có sự khảo sát thực tế trong một khoảng thời gian nhất định đủ để đưa ra những kết luận cuối cùng trước khi đưa vào văn bản pháp luật để áp dụng rộng rãi.
Trên đây là một số ý kiến đóng góp của những người trực tiếp tham gia vào nghề yến đối với các vấn đề "nóng" trong thời gian gần đây. Mong các chủ nhà và các đơn vị kỹ thuật tiếp tục đóng góp ý kiến nhằm đưa ra những thông tin chính xác nhất để nghề yến phát triển ngày một bền vững hơn qua email: nhayenvietnam@gmail.com
Mong các cơ quan nhà nước sẽ lắng nghe những ý kiến đóng góp thiết thực này để ban hành các văn bản pháp luật sát với thực tế cũng như quy hoạch vùng nuôi chim yến hợp lý nhất.
Trân trọng cảm ơn!
By Leica
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét