Home » tin-tuc-nghe-nuoi-yen » to-yen-cu-lao-cham » yen-dao » Nguyên nhân và đề xuất khắc phục tụt giảm yến tổ Cù Lao Chàm
Filled Under:
tin-tuc-nghe-nuoi-yen
,
to-yen-cu-lao-cham
,
yen-dao
Nguyên nhân và đề xuất khắc phục tụt giảm yến tổ Cù Lao Chàm
Một chiều cuối tháng 11/2016, tôi trở lại đảo Cù Lao Chàm Hội An, nắng trời đã giảm sâu, khoảng từ 5 g đến 6g15 chiều, nhìn và thấm thía sự tụt giảm rất nhanh đàn chim yến quí giá có từ ngàn xưa.
Xin thông cảm về nổi buồn này, về trách nhiệm của một người con đất Quảng xa xứ lâu ngày khi thấy một nguồn tài nguyên quí giá của Hội An nổi tiếng của thế giới bị lụi tàn theo thời gian… nên xin được lên tiếng góp ý.
Sự tụt giảm này được nhận định có xu hướng sẽ giảm sâu hơn nữa trong những năm tới và sẽ là sự đáng buồn cho một thưọng phẩm thiên nhiên được tạo hóa ban tặng cho đảo Cù Lao Chàm Hội An nổi tiếng trên thế giới hàng trăm năm nay. Ngày mà hình chim yến Cù Lao Chàm Hội An đã được khắc họa trên trống đồng thời Vua Minh Mạng xác nhận hình tượng bảo vật linh thiêng quý của nước Việt Nam (trống đồng hiện trưng bày tại Bảo tàng TP.Hồ Chí Minh).
Tổng gía trị yến tổ Hội An Cù lao Chàm, trước năm 2010 là trên 120 tỷ, khoảng 1 tấn yến tổ, và không ngờ thiên tai, sự thay đổi môi trường sống dẫn đến, từ sau năm 2011 sản lượng yến tổ ở đây ngày một tụt giảm, sau hết vụ hai khai thác năm 2016, giá trị yến tổ Cù Lao Chàm Hội An được tính toán không vượt qua con số 40 tỷ.
NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ TỤT GIẢM YẾN TỔ CÙ LAO CHÀM
(1) Vùng cung cấp côn trùng thức ăn cho chim yến thay đổi bị đẩy lùi xa, chim yến cũng phải thay đổi vùng hoạt động và vùng cư trú.
Sự xuất hiện các khu dân cư, các khu đô thị và các khu resort nghỉ dưỡng ven bờ đảo Cù lao Chàm, vùng ven biển Cửa Đại và các vùng ven biển của Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình… đã gần như xóa hết vùng sản sinh côn trùng thức ăn tự nhiên của đàn yến đảo Cù Lao Chàm.
Vùng hoạt động kiếm ăn truyền thống bị xóa, những vùng thức ăn mới mỗi ngày bị đẩy lùi vào sâu trong nội địa vùng rừng núi Trường Sơn đến các vùng cao nguyên và vượt qua đèo Hải Vân đến các tỉnh phía bắc miền Trung. Chim yến phải bay đi xa tìm đến những vùng thức ăn mới. Đến những vùng thức ăn mới, thì các đàn chim yến tơ sẽ bỏ đảo và tìm những nơi ở mới.Thực tế tự nhiên đã thấy tại nhiều hang núi ở các tỉnh phía bắc miền trung như núi Ông Thanh Hóa , những nhà cao tầng, rạp chiếu phim ở Nam Định, Đà Nẳng... chim yến tự tìm đến định cư sống.
Những ngày mưa bão miền Trung, vùng biên giới Việt Lào lại xuất hiện nhiều đàn chim yến đến săn mồi vì vào mùa này khí hậu ở Lào là nóng ấm.
(2) Sự xuất hiện của các nhà yến trong nội địa đã thu hút đàn chim yến tơ của đảo Cù lao Chàm.
Từ sau năm 2011, khi những nhà yến trên đất Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và các tỉnh phía Bắc đèo Hải Vân thì đàn chim yến và sản lượng yến tổ đảo Cù lao Chàm giảm sút. Sản lượng yến tổ Cù Lao Chàm không ai nghĩ rằng sau 5 năm, trong vụ khai thác năm 2016 không vượt qua con số 40 tỷ, giảm chỉ còn 30% so với trước năm 2010.
Thử tính toán từ Quảng Ngãi ra đến Ninh Bình, cuối năm 2015 thống kê có hơn 1000 nhà yến. Sau đợt rét đầu năm 2016 hơn 90% số chim ở đây chết. Theo ghi nhận của chúng tôi trong năm 2016 là các nhà yến này đã phục hồi chim về ở lại, phần lớn cũng có 50-100 chim ở, ở Huế Thừa Thiên, Quảng Bình, Quảng trị sức phục hồi đàn chim nhanh, nhiều nhà có 500-600 con, vài nhà trên 1.000 con, 1.500 con. Các nhà yến này đã giữ chân gần 50.000-60.000 chim yến tơ về ở mà chỉ có yến xuất xứ từ yến đảo Cù lao Chàm và các nhà yến tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẳng từ đàn yến còn sống sót sau mùa lạnh.
(3) Thời tiết khắc nghiệt đầu 2016 đã giết hại đàn chim yến đảo Cù lao Chàm.
Nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C gió biển thổi mạnh, kéo dài 6-8 ngày, nguồn côn trùng không còn nữa, chim bị khát, bị đói mà chết. Theo tính toán đã giết gần hết số chim non, chim tơ và hơn 30% chim trưởng thành của đảo.
(4) Cách khai thác yến tổ truyền thống ở đảo đã hủy hoại và làm suy giảm, tăng đàn chậm.
Không ai phê bình cách khai thác yến tổ truyền thống. Ở Phuket Thái, ở các đảo yến ở Indonesia và Malaysia cũng như ở các đảo yến Khánh Hòa Việt Nam đều phải làm như vậy, không có cách nào tốt hơn. Các nhà quản lý, các nhà KH-KT đành phải chấp nhận sự khai thác xuân thu nhị kỳ này; lần đầu là tận thu lấy hết tổ yến có trong hang, chấp nhận thải bỏ chim yến non, trứng yến có trong hang; lần hai có thể để lại 15-20% không khai thác để có đàn chim non bổ sung.
Trước năm 2000, các nhà KH-KT Việt Nam đã thống kê trong 10 năm 1986-1996 và xác nhận số chim yến tơ thế hệ sau mỗi năm bổ sung vào quần đàn chim yến đảo rất thấp là 10,3%. Và tỷ lệ này từ sau năm 2010 khi các nhà yến xây nhiều ở các tỉnh miền trung và tốc độ xây dựng các khu dân cư, khách sạn và khu nghỉ dưỡng nhanh chóng chiếm hết vùng đất ven biển của Hội An, Đà Nẳng, Quảng Nam… đã xuống số âm.
SUY NGHĨ CÁC BIỆN PHÁP PHỤC HỒI ĐÀN CHIM YẾN ĐẢO CÙ LAO CHÀM HỘI AN ĐỂ HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỬNG
1/- Xây nhà yến trên đất Hội An
Từ đảo Cù Lao Chàm vô đất liền Hội An gần 25 km, hàng ngày chim yến đảo Cù Lao Chàm phải bay vào đất liền kiếm ăn ở các vùng rừng bụi ven biển Cửa Đại, Hội An, Quảng Nam và Đà Nẳng. Các vùng này đã bị xóa mất nên chim yến phải vào sâu thêm 10-20 km, vào những vùng rừng cây bụi đồi núi cạnh dãy Trường sơn và phía bắc đèo Hải Vân săn mồi ăn. Khi đến kiếm mồi ăn ở những nơi mới, để sinh tồn số đông chim yến tơ của đảo dễ phải ở lại những hang núi tự nhiên, nhà cao tầng bỏ hoang, nhà hát và sau này là những nhà yến mới xây ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh phía Bắc đèo Hải Vân.
Chim yến đảo Cù Lao Chàm đã ở lại mang phồn thịnh đến cho những chủ nhà yến ở các vùng từ Quảng Ngãi ra tới tận Ninh Bình. Số lượng và sản lượng yến tổ của đảo mỗi năm một giảm sút và nay chỉ còn dưới 30% so với trước năm 2010.
Không có biện pháp nào ngăn chặn sự sụt giảm đàn chim yến đảo Cù lao Chàm hiệu quả nên ngày nay trong nội thành và ngoại thành TP Hội An đã có sự xuất hiện (không chính danh) 10-12 nhà yến hoạt động và có kết quả tốt. Món quà phồn thịnh tạo hóa ban tặng cho TP. Hội An Cù lao Chàm đã đến lúc cư dân Hội An được nhận hưởng.
2/- Tạo nguồn mồi ăn côn trùng cho chim yến đảo
Thiên nhiên đã tạo ra chim yến do bay suốt ngày trên không trung, mồi ăn là côn trùng chỉ có đạm nên không tích trữ được năng lượng dưới dạng các chất béo. Chim gần như sử dụng hết năng lượng cho việc bay trên không trung săn mồi và duy trì nòi giống nhả sợi kết tổ và đẻ trứng, thay lông. Những động vật lông vũ khác có thể không ăn mồi trong 10-15 ngày khả năng sinh tồn không ảnh hưởng gì vì có năng lượng dự trữ nhưng chim yến không có mồi ăn trong 3-5 ngày thì mất khả năng sinh tồn.
Nhiệt độ ngoài trời xuống đưới 20 độ C, còn một số ít loài bọ cánh cứng vũ hóa bay lên không, xuống dưới 16 độ C thì hầu hết các loài côn trùng phải ngủ đông ở dưới các dạng biến thái. Khi rét hại, rét đậm tràn về, ở nhiệt độ trên 14 độ C chim vẫn cố gắng bay ra ngoài không trung săn tìm mồi, không có thì bay trở về.
Việc tạo nguồn côn trùng cấp trong hang đảo trong những ngày rét lạnh là rất cần thiết để duy trì được sự sống cho chim.
Gây tạo có số lượng lớn là việc làm rất quan trọng để hy vọng giữ sống được nhiều chim yến đảo không bị chết khi những đợt rét đậm rét hại tràn về.
Có 2 loại côn trùng có thể gây nuôi số lượng lớn làm mồi ăn sống cho chim yến là ruồi dấm Drosophila và mọt bột Sitophilus Ozyzae.
Ruồi dấm dể nuôi nhưng để có số lượng lớn cho chim yến ăn tạm sống trong những ngày lạnh là rất khó vì ruồi không vũ hóa được ở nhiệt độ dưới 25 độ C mà nhiệt độ trong hang yến chỉ có thể nâng lên ở 20 độ C là thích hợp.. Môi trường sinh trưởng nhân tạo nuôi ruồi dấm loại DSF giá cao 300.000 đ/kg.và do không ổn định về mặt kỹ thuật nên không khả thi để gây tạo ruồi dấm nuôi chim yến những khi cần thiết.
Ruồi dấm chỉ có giá trị dùng làm mồi ăn bổ sung trong điều kiện bình thường khi chim trở về nhà hoặc trong thời gian chim yến bố mẹ chăm sóc nuôi chim non, có sẵn nguồn thức ăn tại chỗ không phải đi xa. Thời gian sống của ruồi dấm ngắn bình quân 25-28 ngày nên không kinh tế phải dự trữ ở dạng con nhộng ngủ đông.
Mọt bột được đánh giá chim yến thích ăn mồi này. Mọt bột có cánh cứng và bay cao được khi có ánh sáng.
Mọt bột ở các giai đoạn trứng, sâu và nhộng sống được và vũ hóa tốt ở nhiệt độ trên 16 độ C, sống được ở nhiệt độ 14 độ C, một nhiệt độ được coi là có trong nhà yến khi mùa rét đậm rét hại về.
Môi trường sinh trưởng nhân tạo gây nuôi mọt bột có số lượng lớn giá rất rẻ là khoai mì lát khô (sắn khô) bắp khô rất dể tìm, trộn với bột MIXCO-2 giá thành không quá 10.000 đ/kg.
Mọt bột sống khoảng 180 – 200 ngày, mỗi con mọt cái bình quân đẻ 380 trứng/năm,một cặp mọt đực cái có thể nảy nở thêm 800.000 con/năm, sinh khối rất lớn.
Dùng mọt bột làm mồi ăn bổ sung cho chim yến khi chim trở về nhà hoặc trong thời gian chim yến bố mẹ chăm sóc nuôi chim non tại chổ để chim không phải đi xa. Mọt bột có thể dự trử số lượng lớn trong thời gian dài để khi đến những ngày lạnh rét ngoài không trung còn côn trùng dùng làm mồi ăn cho chim ngay trong nhà yến và ngăn chim bay ra ngoài kiếm ăn có thể bị sốc chênh lệch nhiệt chết..
3/- Tạo môi trường cần có để duy trì sự sống của chim yến trong ngày rét tràn về.
Khi rét đậm, rét hại tràn về có năm lạnh đi kèm với mưa nên ẩm độ tương đối cao trên 60%, có năm không có mưa nên ẩm độ thấp dưới 50%. Đợt rét đầu năm 2016 là năm rét khô nhiệt độ xuống thấp có nơi 4-8 độ C, nhiều vùng ẩm độ chỉ còn dưới 40% làm chim yến chết nhiều. Nhiều nơi lại cấp hơi nóng khô vào nhà yến làm chim yến chết nhanh hơn.
Chim yến nhờ ăn côn trùng liên tục nên việc bổ sung nước cho cơ thể rất nhanh vì côn trùng chứa hơn 80% nước. Khi rét tràn về chim không còn mồi ăn nên không có nguồn bổ sung nước lại bị rét khô, ẩm độ trong không khí thấpvà oái âm là các loại máy sưởi lại cung cấp hơi nóng khan nước nên chim bị mất nước nhanh dẩn đến chết trước khi chết vì bị đói ăn.
Các loại máy sưởi đốt không khí nóng hiện dùng cho nhà yến vào mùa lạnh gần như không đạt hiệu quả như mong muốn mà có tác dụng ngược lại góp phần làm giảm độ ẩm trong nhà yến tác động gây mất nước cho chim.
Một số chủ nhà yến, các nhà kỹ thuật đã nghiên cứu sử dụng một loại thiết bị tạo hơi nước nóng có thể điều chỉnh nhiệt độ có hiệu quả , hơi nước nóng này hòa tan ngay trong không khí lạnh nâng ngay nhiệt độ trong nhà yến lên và bổ sung độ ẩm trong không khí nhà yến do bị mất nước vì lạnh. Máy rất đơn giản cơ động xách tay, có tên Amazon Steam, thiết kế gọn 5-7 kg, giá thành rẻ 5-5,5 tr/máy tùy loại, nên có thể tùy diện tích hang động hay nhà yến mà trang bị máy nhiều hay ít. .
4/- Thu trứng, ấp trứng, dưỡng chim yến đến đủ lông cánh thả lại đảo yến.
Sự tiến bộ của KH-KT trong ấp nở trứng gia cầm đã áp dụng ấp nở trứng chim yến và ương dưỡng đến thành chim tơ biết bay thả lại trong hang động thành công..
Ở Indonesia, năm 2008, N. Hary đã nghiên cứu thực hiện thành công. Ở Johor, PeNang Mã Lai thực hiện thành công năm 2010.
Ở Việt Nam, công ty Yến sào Khánh Hòa, bắt đầu từ năm 2011 đã làm việc này và đã thả chim trả lại các đảo yến, bổ sung và giúp tăng số lượng chim yến sống tại các đảo yến thành công.
Một công ty tư nhân, năm 2016 cũng làm việc này thành công nhưng tỷ lệ trứng nở chỉ 60% vì trứng thu gom từ nhiều nguồn, từ nhiều nhà yến và thời gian từ nhà yến đến nhà ương dưỡng hơn 20 giờ.
Trước đây tỷ lệ chim yến tơ thả ở lại nơi thả chỉ 20-30% nay tỷ lệ này đã nâng lên 70%
Việc khai thác yến tổ theo cách truyền thống tại các đảo yến, trước năm 2010 là điều phải chấp nhận, chấp nhận đã thải giết bỏ mỗi năm 2 lần hàng chục, hàng trăm ngàn trứng chim yến và chim yến non tỷ lệ tăng đàn chậm thấp dưới 10% và khi phong trào xây dựng nhà yến trong đất liền phát triển mạnh, chim tơ của các đảo yến đi vào trong những nhà yến yến mới ở, tỷ lệ này giảm thấp chỉ còn 1-2% có khi là tỷ lệ âm.
Ở Khánh Hòa, Việt Nam đã thấy được vấn đề nhanh chóng thực hiện trong các kỳ khai thác yến tổ của đảo,thu lấy trứng đem về cho ấp nở ương dưỡng đến thành chim tơ biết bay thả lại trong hang động, bổ sung số chim tơ mất đi do di thực và tăng lượng đàn chim sống ở đảo lên nhanh chóng. Indonesia và Malaysia cũng đã làm tương tự theo đơn đặt hàng của các chủ đảo yến.
Nên hiểu rằng, chim yến tơ ấp nở nhân tạo do người nuôi có thể gọi là chim “mồ côi” khi thả vào hang động số chim ở lại cao khác với chim yến tơ do chim bố mẹ ấp dưỡng ở lại nhà yến rất thấp.
Những chim yến tơ do ấp dưỡng nhân tạo sẽ ở lại đảo lâu dài có thể hết cuộc đời của chim, tỷ lệ bỏ đi rất thấp nếu có sự thay đổi môi trường và sự thiếu hút mồi ăn trầm trọng nhưng thế hệ sau của những chim yến này có thể rời bỏ đảo đi tìm nơi ở mới.
ĐỀ XUẤT MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẦN LÀM ĐỂ ĐÀN YẾN CÙ LAO CHÀM HỘI AN PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỬNG
Các biện pháp cần làm để đàn yến đảo Cù lao Chàm - Hội An phục hồi và phát triển bền vửng, tăng đàn và tăng sản lượng.
(1) Xây dựng mô hình sản xuất chim yến giống ngay trên đất đảo Cù Lao Chàm.
Trứng và chim yến non trong hai kỳ khai thác yến tổ nên chọn kỳ đầu tháng 3 âm lịch để thu trứng thực hiện ấp nở, nuôi dưỡng và thả lại chim yến tơ cho các đảo Cù lao Chàm. Thời điểm tháng 3 – 4 âm lịch là giao mùa của hai gió, biển êm và ít gió, khai thác yến tổ thuận tiện, việc thu giữ trứng và chim non chuyển về nhà ấp dưỡng sẽ nhanh và thuận lợi.
Bảo đảm thời gian vàng để trứng và chin non chuyển từ hang yến đến lồng ấp về đến nhà sản xuất một cách nhanh chóng nhất, không phải hoang phí loại bỏ trứng chim mới sinh vỏ mềm,đảm bảo tỷ lệ nở cao nhất. Tỷ lệ ấp nở hiện nay ở VN tùy nơi thực hiện là 70% và 80%, tỷ lệ này có thể đạt trên 90%
Thời gian chuyển chim yến tơ thả vào hang yến thường thực hiện ban đêm nên cần cự ly di chuyển ngắn không bị dằn sốc do mưa, bão, sóng lớn và cũng cần thời gian kiểm tra các yếu tố môi trường thích hợp tương đồng giữa nơi nuôi dưỡng và hang yến thả nuôi, chim yến tơ sẽ ở lại tỷ lệ cao có thể đạt trên 80% mà tỷ lệ tốt nhất của N.Harry tại Indonesia thực hiện mới chỉ trên 60% do vận chuyển xa cả hàng trăm km. Khoảng cách từ nơi nuôi dưỡng đến nơi thả nuôi càng xa , tỷ lệ thành công thường giảm sút.
(2) Tổ chức sản xuất mồi ăn côn trùng cho chim yến ở các thời kỳ tăng trưởng mới nở, mọc lông, mọc cánh và biết bay sử dụng.
Nuôi loại kiến nhỏ (kiến đen, kiến riện… ) để lấy trứng kiến trắng kích thước nhỏ. Nuôi ruồi dấm, nuôi mọt bột và các con phù du khác để đa dạng hóa mồi ăn. Tổ chức nuôi qui mô lớn mọt bột để dự trữ số lượng thành trùng và nhộng mọt bọt trong thời gian dài để sử dụng cho chim yến đủ ăn trong những ngày rét lạnh giữ sống được số lượng lớn chim của đảo.
(3) Thực hiện cho chim yến ăn mồi côn trùng bổ sung vào thời điểm trước khi đàn chim yến về đảo 20-30 phút. Chim có thói quen trước khi bay về hang yến thường quần đảo nhiều lần để kiếm mồi ăn. Cách làm này tập cho chim đảo có thói quen quay về đảo săn mồi sẽ giữ được chim giảm thất thoát một số chim yến tơ của những thế hệ sau của đàn chim yến đã thả và của những đàn chim yến đã sống trong hang yến giúp tăng nhanh đàn chim sống ở đảo.
(4) Thực hiện việc chống rét cho đàn yến đảo Cù Lao Chàm bằng thiết bị tạo hơi nước nóng xách tay, gọn nhẹ đặt ở nhiều nơi trong các hang động của đảo yến Cù lao Chàm. Máy tự động có thể phun hơi nước với áp suất 1-2 psi và hơi nước phun ra có thể có nhiệt độ 50 độ C giúp cân bằng nhanh với nhiệt độ không khí bị rét xâm lấn để có một nhiệt độ thích ứng phù hợp 20-25 độ C giúp chim tiết kiệm bớt tốn hao năng lượng chống lạnh giúp chim có thể kéo dài thời gian sinh tồn qua những ngày rét lạnh. Các miệng hang phải được tự động đóng lại để giử chim yến trong hang động và không cho không khí bên ngoài lọt vào hang động
Một số nhà KH-KT còn nêu phương án sử dụng nhà kính để chống rét cho nhà yến và cho chim yến nhưng sẽ tốn phí nhiều và khó áp dụng trên những đảo yến mà chỉ có thể khả thi ở các nhà yến riêng lẻ.
(5) Thực hiện xây dựng một dây chuyền thu gom mọt bột từ sinh khối nuôi ra môi trường bằng ánh sáng, thực hiện cho chim yến ăn mọt bọt trong hang yến bằng ánh sáng hay bằng phễu thổi trong những ngày rét theo giờ qui định. Mỗi ngày 4-5 lần, mỗi lần 4-10 phút tùy lượng côn trùng cung cấp.
(6) Cho xây dựng nhà nuôi chim yến trên các quận huyện không nằm trong khu qui hoạch du lịch của TP. Hội An. Các nhà yến phải đạt về môi trường kỹ thuật và vệ sinh dịch tễ định kỳ. Những nhà yến này có thể cung cấp đàn chim yến tơ cho đảo yến, trong phạm vị 25 km, nếu là vùng phong phú dồi dào mồi ăn, trong những tháng chuyển mùa ”mùa của bà già đi biển” chim yến trong nội địa bay ra đảo săn mồi.
Các biện pháp này phải thực hiện tốt đạt yêu cầu và phải đồng bộ thì việc phục hồi đàn yến mới có kết quả và phát triển bền vửng. Thời gian phục hồi đàn yến đảo Cù lao Chàm đạt được sản lượng như trước năm 2011 phải mất từ 4-5 năm.
Mong đàn yến đảo Cù lao Chàm sớm phục hồi và phát triển bền vững.
Theo Nguyễn Chung
Diễn đàn tổ yến Việt Nam
By Leica
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét