Như chúng ta đã biết, nghề yến đã phát triển khá lâu ở Việt Nam, tính từ nhà yến đầu tiên tại Cần Giờ năm 2003, tuy nhiên tính cho đến thời điểm này, vẫn chưa chính thức có một cơ quan nhà nước nào đứng ra quản lý việc nuôi yến.
|
Hiện vẫn chưa có quy định cụ thể nào về quy hoạch nuôi yến |
Năm 2013, đã có những cuộc họp chính thức nhằm đưa ra phương hướng xây dựng một cơ quan quản lý, đưa nuôi yến vào quy hoạch tập trung một cách bài bản. Dù đã dự thảo lần thứ bảy nhưng vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. Các đại biểu là lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh, thành và những hộ nuôi yến cho rằng cần thống nhất về việc quy hoạch vùng nuôi ở từng địa phương, làm sao quản lý tốt các điều kiện nuôi, đặc biệt là khâu an toàn, vệ sinh chuồng trại cũng như kiểm soát việc khai thác để bảo đảm lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên, chính các cấp chính quyền lại rơi vào tình trạng lúng túng khi quy định chồng chéo quy định hoặc...chưa hề có quy định nào cụ thể khi xảy ra tình huống.
Cụ thể về vấn đề giấy phép xây dựng, theo quy định của Bộ NN- PTNT thì đất nuôi yến phải chuyển sang đất trang trại, muốn xây dựng phải xin phép, trong khi theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì để nuôi trang trại, phải có đánh giá tác động môi trường dù là nuôi 1 nhà yến, như vậy thì rất tốn kém, gây nhiều khó khăn cho hộ nuôi. Tình trạng nuôi yến hiện tại hầu hết là rơi vào trường hợp người dân xin giấy phép xây nhà ở, sau đó dẫn dụ yến về nuôi.
Hoặc trường hợp khi có dịch bệnh về gia cầm, các cơ quan chức năng cũng lúng túng trong khâu xử lý cả về chuyên môn lẫn xử lý thông tin.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, tỉnh này có gần 100 nhà nuôi yến nhưng có đến 2/3 nhà nuôi yến ở trong khu vực dân cư. TPHCM cũng có hàng trăm hộ nuôi, trong số này rất nhiều hộ nuôi trong khu vực nội thành. Theo nhiều người làm nghề yến cho hay, bản thân yến là loại chim "hoang dã", sống rất khỏe, không tiếp xúc với người nên khả năng lây bệnh rất ít. Điều quan trọng là phải xử lý chuồng trại, xử lý cả nước thải để bảo đảm an toàn trong quá trình nuôi.Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại bác bỏ quan điểm trên, cho rằng việc nuôi yến gây ảnh hưởng đến cuộc sống của dân cư xung quanh, nhất là các vùng nuôi nội thành, thậm chí có thể dây dịch bệnh ảnh hướng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Do đó, nuôi yến nên được quy hoạch để dễ quản lý, kiểm soát được dịch bệnh và bảo đảm an toàn cho con người bằng việc các chủ nuôi yến cần phải đăng ký hoạt động nuôi yến để kiểm soát.
Qua thực tế cho thấy, rất nhiều hộ gia đình e ngại khi nhắc đến vấn đề giấy phép xây dựng nhà nuôi yến. Nhiều chủ nhà khảo sát yến về rất nhiều nhưng phải đến vài năm sau mới bắt đầu xây dựng vì lo sợ nhiều vấn đề: dịch bệnh, giấy phép, tiếng ồn...v.v, mà tất cả những điều này cũng là vì chưa có một khu vực quy hoạch nuôi yến nào, quy định nuôi yến cụ thể nào....Người nuôi yến càng chờ các cơ quan chức năng can thiệp....lại càng mất hút.
Việc nuôi yến hiện nay vẫn chủ yếu là tự làm, tự xây dựng, tự thu hoạch, tự bán. Chưa có quy định chung nào về mức giá, chất lượng cũng như về các quy định nuôi yến, các khu quy hoạch nuôi,...v.v.
Thiết nghĩ, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, thì nghề yến Việt Nam sẽ khó có cơ sở để cạnh tranh với các nước bạn.
By Leica
Bài viết liên quan:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét