Tại hầu hết các tỉnh miền Tây đều xuất hiện các nhà nuôi yến như: Nuôi yến ở Kiên Giang, nuôi yến ở Tiền Giang, nuôi yến ở An Giang, nuôi yến ở Hậu Giang, nuôi yến ở Bạc Liêu, nuôi yến ở Cần Thơ, nuôi yến ở Bến Tre, nuôi yến ở Trà Vinh, nuôi yến ở Sóc Trăng, nuôi yến ở Cà Mau, nuôi yến ở Đồng Tháp...v.v, trong đó nơi nhà nuôi yến tập trung nhiều nhất phải kể đến đó là Kiên Giang và Bến Tre. Tại các khu vực này, nhà nuôi yến mọc lên ngày một nhiều chứng minh được ý thức về việc làm giàu từ tổ yến đã được nhân rộng đối với người dân nơi đây.
Đầu tư nuôi yến mang lại nguồn lợi về nhiều mặt, không chỉ phát triển kinh tế mà còn phát triển về cả mặt xã hội. Tuy nhiên, đầu tư bất kỳ một lĩnh vực nào cũng có những rủi ro nhất định, đối với nghề nuôi yến cũng không nằm ngoài quy luật thị trường này. Bên cạnh những rủi ro mang tính chủ quan mà chúng ta ít nhiều có thể tác động điều chỉnh được thì có những lý do khách quan hiện nay nghề yến đang gặp phải khiến người nuôi khá "lao đao" và chưa tìm ra được giải pháp để khắc phục đó là: hiện tượng chim yến chết hàng loạt. Gần đây nhất phải kể đến sự cố chim yến chết hàng loạt vào tháng 8, tháng 9 âm lịch tại Bạc Liêu và Kiên Giang, chủ yếu là chim non khiến nhiều người xót xa.
Vậy nguyên nhân phía sau hiện tượng chim yến chết hàng loạt này là gì?
Có rất nhiều ý kiến đưa ra từ những người nuôi yến lâu năm và các chuyên gia xây dựng nhà yến nhưng chủ yếu tập trung vào các ý kiến sau:
Nguyên nhân đầu tiên được đề cập đến đó là chim chết hàng loạt do nguồn thức ăn khan hiếm trong khi số lượng chim yến và nhà yến ngày một tăng. Tỷ lệ chim và thức ăn mất cân bằng dẫn đến chim phải bay quãng đường xa hơn để tìm kiếm nguồn thức ăn, đôi khi không chỉ cho bản thân chúng mà còn cho cả chim non. Quá trình di chuyển xa như vậy khiến chim mất khá nhiều sức lực, nhất là trong mùa thời tiết xấu mưa gió thường xuyên khiến chim tiêu hao năng lượng nhiều hơn. Hoặc trong quá trình đàn chim bay đi kiếm ăn, các chim bố mẹ gặp nạn, bị giăng bẫy hoặc bị chết không thể mang thức ăn trở về cho chim non cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Việc không được cung cấp đủ thức ăn khiến cho sức đề kháng của chim non giảm, tình trạng này kéo dài khiến sức sống của chim non yếu dần và chết.
Nguyên nhân phía sau hiện tượng chim yến chết hàng loạt thật sự là gì? Ảnh nguồn: Tôm Sú Bio |
Một nguyên nhân khác được đưa ra lý giải cho hiện tượng chim yến chết hàng loạt trong thời gian vừa qua là nguồn thức ăn nghèo canxi. Thức ăn của chim yến là các loại côn trùng cánh màng thường cung cấp một lượng lớn canxi cho chim non, nhưng vào một số thời điểm, côn trùng cũng cần cơ chế hấp thụ ánh nắng để chuyển hóa thức ăn thành các tiền tố cần thiết. Có thể xem các loại thức ăn mà chim bố mẹ mang về rất nghèo canxi. Chim non lại cần canxi để phát triển bộ khung (xương, lông). Chim non phải sống trong môi trường ẩm thấp, dễ sinh khuẩn, hoàn toàn biệt lập với cơ chế hấp thụ từ bên ngoài, chúng chỉ trông chờ vào thức ăn của chim bố mẹ. Các yếu tố bất lợi đến cùng một lúc, chúng chết là điều ko thể tránh khỏi.
Ngoài ra, yếu tố thời tiết cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Vào khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long đang là mùa nước nổi, tuy nhiên diện tích lúa (nơi vốn được coi là khu vực tập trung nhiều côn trùng là nguồn thức ăn dồi dào cho chim yến) lại đang ngày một bị thu hẹp. Vì vậy không hề lạ nếu vào mùa này chúng ta thấy yến xuất hiện ít trên các cánh đồng lúa. Theo nhận định của nhiều người nuôi yến thì hiện tượng này xảy ra khá phổ biến, nếu như trước đây chúng ta có thể dễ dàng thấy cảnh tượng chim yến chao lượn trên những cánh đồng lúa thì vào khoảng thời gian này tuyệt nhiên giảm hẳn. Nhiều nhà yến tại Rạch Giá, Kiên Giang báo chết hàng chục chim, thậm chí hàng trăm chim, chủ yếu là chim non đang mọc lông. Đây quả là con số "ác mộng" đối với nhiều người nuôi yến. Bởi lẽ chim yến chết đi, tương đương với mức thiệt hại không chỉ ở hiện tại mà còn rất lớn ở tương lai. Một cặp chim trưởng thành trung bình có thể cho sản lượng tối thiểu 3 tổ/ năm tương đương khoảng 600.000đ- 900.000đ (xét ở mức thấp). Giả sử tuổi thọ trung bình của chim yến là 10 năm, vậy trong vòng đời của mình, một cặp chim yến có thể cho ra ít nhất 30 tổ, tương đương 18.000.000đ đến 27.000.000đ. Nếu mất 100 chim (50 cặp), tương đương mất sản lượng tổ yến khoảng 30 triệu đến 45 triệu 1 năm (đây là mức giá trị xét ở mức tối thiểu, tùy vùng và chất lượng mà tổ yến có thể có giá trị cao hơn gấp nhiều lần). Chưa kể đến việc sinh sản của chim làm tăng đàn khiến nhà yến có thêm các cặp chim sinh sản mới, tạo ra những chiếc tổ mới. Xét theo khía cạnh kinh tế, cứ như vậy trong một năm, giá trị kinh tế của một cặp chim không ngừng tăng theo cấp số nhân và khi mất đi một cặp chim, cũng là mất đi số tiền tương đương theo cấp số nhân, khi đó giá trị một cặp chim mất đi có thể lên đến hằng trăm thậm chí hàng tỷ đồng.
Hiện tượng chim yến chết hàng loạt này chỉ xảy ra tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Tây, các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ tuy không xảy ra hiện tượng này nhưng lại xuất hiện hiện tượng dùng loa gọi giăng bẫy bắt chim yến. Có thể thấy rằng, dù ở đâu thì những rủi ro vẫn luôn "rình rập" nghề nuôi yến trong nhà, vì vậy, các chủ nhà yến không chỉ nên tập trung tìm hiểu trước khi xây dựng nhà yến mà trong quá trình chăm sóc quản lý nhà yến cũng nên theo sát mọi diễn biến trong căn nhà yến của mình như:
- Nên lắp hệ thống camera quan sát nhà yến từ xa để chủ động theo dõi lượng chim, tình hình chim trong nhà yến bất cứ lúc nào mà không cần vào nhà yến.
- Theo dõi tình trạng chim trong nhà yến có ổn định không, có thiên địch xâm hại hay không
- Theo dõi lượng chim tăng giảm, các hiện tượng bất thường như chim chết, chim non rớt tổ, mất trứng, vỡ trứng,...v.v
- Theo dõi nhiệt độ, độ ẩm trong nhà yến, nhất là khi mùa sinh sản vào đúng mùa mưa gió, thời tiết có độ ẩm cao.
- Chủ động tạo nguồn thức ăn cho chim yến bằng cách trồng quanh khu vực nhà yến các cây ăn quả, các cây thu hút côn trùng như: các cây họ đậu (táo nhơn hay còn gọi là keo đậu), các cây có phấn hoa sẽ thu hút rệp muỗi, các cây hoa có mật thì sẽ thu hút được các loại rệp và ong ruồi,..v.v.
Keo đậu là loại cây được cho là thu hút nhiều côn trùng làm thức ăn cho yến. Ảnh nguồn Internet |
Ngoài ra có thể tạo côn trùng bằng cách tạo ruồi giấm. Xem CLIP HƯỚNG DẪN CÁCH TẠO RUỒI GIẤM TẠI ĐÂY
Mọi chia sẻ đóng góp của bạn đọc về tình hình chim yến chết hoặc cách phòng tránh hiện tượng này vui lòng để lại phía dưới bài viết này hoặc gửi về địa chỉ email: nhayenvietnam@gmail.com. Chúng tôi vô cùng trân trọng những đóng góp của bạn để giúp nghề nuôi yến trong nhà Việt Nam ngày càng phát triển hơn.
Chúc các bạn nuôi yến thành công!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét