(Chinhphu.vn) - Hiện có 42/63 tỉnh, thành phố có nghề nuôi yến với số lượng khoảng 20.000 nhà yến. Sản lượng yến của Việt Nam hiện đạt trên dưới 120 tấn, giá trị tương đương 450 triệu USD.
|
Yến sào được đưa vào chiến lược phát triển ngành chăn nuôi trong những năm tới - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, hiện các thủ tục để xuất khẩu yến sang Trung Quốc gần như đã hoàn thiện, dự kiến trong quý I/2021, sản phẩm yến sào của Việt Nam có thể được xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ yến lớn nhất nhì thế giới.
Ngành hàng triệu đô
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), ngành yến của Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, yến sào là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có cơ hội xuất khẩu tương đối tốt so với nhiều sản phẩm chăn nuôi khác nên đã được đưa vào chiến lược phát triển ngành chăn nuôi trong những năm tới.
Theo thống kê, hiện có 42/63 tỉnh, thành phố có nghề nuôi yến với số lượng khoảng 20.000 nhà yến. Trong đó, Kiên Giang là tỉnh có nhiều nhà yến nhất, khoảng 2.600 nhà. Sản lượng yến của Việt Nam hiện đạt trên dưới 120 tấn, giá trị tương đương 450 triệu USD.
“Những năm qua, nhận thấy tiềm năng xuất khẩu to lớn của sản phẩm yến sào, Bộ NN&PTNT đã tích cực đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu yến sang các thị trường, trong đó có việc đàm phán để xuất khẩu chính ngạch yến sào sang thị trường Trung Quốc. Do tác động của dịch COVID-19, việc đàm phán chủ yếu thông qua họp trực tuyến, hiện mọi công đoạn chuẩn bị gần như đã hoàn tất”, ông Trọng thông tin.
Cũng theo ông Trọng, khảo sát nhu cầu của một doanh nghiệp ở Phúc Kiến (Trung Quốc) cho thấy, hiện sản lượng yến của Việt Nam có thể xuất khẩu chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của họ, vì vậy, khi nghị định thư xuất khẩu chính ngạch yến sang Trung Quốc được ký kết thì cơ hội cho ngành hàng triệu đô này càng rộng mở.
Yến Việt sẵn sàng tung cánh
Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), trong nhiều năm qua, để hỗ trợ ngành yến phát triển, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo ngành chức năng, trong đó có Cục Thú y hướng dẫn các doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện về nhà nuôi yến, chế biến sao cho phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu và thông lệ quốc tế, giám sát tốt các quy định về an toàn dịch bệnh với nghề nuôi yến.
“Các doanh nghiệp ngành yến đã có quá trình chuẩn bị hồ sơ rất kỹ, tháng 4/2020 đã nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc đánh giá, lẽ ra việc ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch yến sang Trung Quốc có thể được thực hiện vào tháng 12/2020 nhưng do tác động của dịch COVID-19 nên hai bên đàm phán đến đầu năm 2021 sẽ tiến hành thủ tục này. Qua giám sát vấn đề an toàn dịch bệnh đều đạt yêu cầu theo thông lệ quốc tế và phía đối tác Trung Quốc, việc chuẩn bị nghị định thư, mẫu chứng nhận gần như đã hoàn thiện, chỉ chờ hai bên ký kết, ông Long cho biết.
Được biết, ngành yến Việt Nam mới chỉ bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2010, với sản lượng chiếm khoảng 3% sản lượng tổ yến toàn cầu. Hầu hết các chủ nhà yến Việt Nam tự thu hoạch tổ yến, tự sơ chế tại nhà và bán nhỏ lẻ khi thương lái thu mua yến nguyên liệu với giá thấp. Điều này khiến Việt Nam có nhiều thương hiệu yến sào nhưng chất lượng chế biến chưa đạt yêu cầu cạnh tranh quốc tế.
Tuy là đặc sản có giá trị kinh tế cao của Việt Nam, là 1 trong 10 món ăn đắt nhất thế giới nhưng tổ yến là sản phẩm mới, giá trị sản xuất chưa thể so sánh với các sản phẩm nông nghiệp truyền thống và chưa được xếp vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia.
Sản phẩm tổ yến hiện chủ yếu được các công ty xuất khẩu, thu về khoảng 100-125 triệu USD/năm.
Đỗ Hương
Theo Báo điện tử Chính Phủ
Bài viết liên quan:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét